Hiện nay, trên các phương tiện truyền thông liên tục đưa tin về những vụ bắt cóc trẻ em gây chấn động dư luận. Nguyên nhân của tình trạng này chủ yếu là do trẻ em là mục tiêu dễ dàng cho những kẻ bắt cóc. Vì vậy, kỹ năng phòng tránh bị bắt cóc là một trong những kỹ năng quan trọng mà các bậc phụ huynh và nhà trường cần dạy cho con em mình để đảm bảo rằng con em mình không bị mất tích hoặc rơi vào tay kẻ xấu. Dưới đây là những kỹ năng cần thiết mà cha mẹ cần dạy con để tránh bị kẻ xấu bắt cóc.
Luôn cảnh giác với người lạ để phòng tránh trẻ bị bắt cóc
- Không bắt chuyện với người lạ: Hãy dạy trẻ nếu có người lạ mặt cố gắng tiếp cận thì nên chạy trốn. Tuy nhiên, không được chạy đến nơi không có người. Bé cần chạy đến nơi có nhiều người như siêu thị, cửa hàng hoặc chạy tới đồn cảnh sát để tìm kiếm sự giúp đỡ. Sau đó, liên lạc ngay với cha mẹ.
- Không nhận quà của người lạ: Hãy dạy trẻ không được nhận bất cứ món quà gì từ người lạ. Những món đồ đó có thể bị tẩm thuốc mê, trẻ ngửi hoặc ăn vào sẽ bị kẻ xấu bắt đi. Bạn có thể dạy trẻ từ chối khéo như “ba mẹ cháu không cho phép nhận”. Bạn cũng nên dạy trẻ tìm đến chỗ có người lớn; hoặc bảo vệ đứng để tránh bị người lạ tiếp tục dụ dỗ.
- Kêu to khi có người lạ kéo hoặc bắt đi: Hãy dạy trẻ nếu bị người lạ lôi đi thì hãy kêu khóc thật to để mọi người biết và giúp đỡ. Cha mẹ cũng nên dạy con nhớ số điện thoại, nhớ tên bố mẹ, địa chỉ nhà. Để nếu cần có thể liên lạc với cha mẹ hoặc tìm được đường về nhà.
Khi ở nhà một mình không được cho người lạ vào nhà
Khi cha mẹ phải đi làm mà một mình trẻ ở nhà, cần khóa kỹ cửa, cổng. Có thể giao cho trẻ chìa khóa, nhưng dặn dò không được tiếp chuyện hay mở cửa cho người lạ vào nhà, dù bất cứ lý do gì. Dặn trẻ không được bỏ nhà đi chơi. Nếu có người lạ tìm đến nhà, lấy lý do công việc hoặc là bạn của bố mẹ để xin vào nhà. Trẻ cần gọi điện ngay cho bố mẹ thông báo và bảo họ lúc khác quay lại. Tuyệt đối không đứng gần cửa ra vào để nói chuyện với khách; đề phòng bị thôi miên, đầu độc, dụ dỗ mở cửa. Tình huống khẩn cấp có thể gọi điện 113 báo công an.
Không nên chủ quan trước mọi tình huống
Không phải đứa trẻ nào cũng nhận biết được đâu là người lạ và đâu là người có thể tin tưởng. Có những người bề ngoài trông đáng sợ nhưng lại là người tốt tính và ngược lại. Thậm chí, trẻ có thể bị bắt cóc chính những người chúng quen biết. Vậy nên hãy dạy trẻ luôn đề cao cảnh giác với tất cả.
Cha mẹ có thể lập một danh sách những người mà con có thể tin tưởng. Chẳng hạn người có thể đón con từ trường về nhà. Người có thể vào nhà chơi khi con chỉ có một mình. Ngoài những người nằm trong danh sách an toàn này con nên cảnh giác. Cha mẹ cũng có thể chọn mật mã mà chỉ cha mẹ, trẻ nhỏ; và những người trong danh sách an toàn biết được.
Phòng tránh khả năng trẻ bị bắt cóc khi ở nơi đông người
- Đề phòng thất lạc chỗ đông người: Khi đến những nơi đông đúc, trẻ nhỏ hiếu động có thể chạy khuất khỏi tầm mắt của cha mẹ rất nhanh. Cha mẹ không nên rời mắt khỏi trẻ. Và cũng cần dạy trẻ có ý thức luôn để mắt tới cha mẹ. Nếu như cha mẹ đi khuất khỏi tầm nhìn thì hãy gọi thật to.
- Chạy ngược chiều ô tô: Hãy dạy trẻ nếu phát hiện thấy có ai đó lái xe theo sau thì hãy chạy theo chiều ngược lại. Nếu họ vẫn muốn đuổi theo, họ sẽ phải quay đầu xe lại. Lúc đó trẻ sẽ có thêm thời gian để chạy trốn.