Con cái luôn là những món quà vô cùng quý giá đối với bố mẹ. Bố mẹ luôn muốn dành tất cả tình yêu thương cho những đứa con của mình. Tuy nhiên, để có thể hiểu và trở thành bạn thân của con thì lại là một điều vô cùng khó khăn. Vì trẻ thường có tính cách và suy nghĩ khác biệt khiến bố mẹ rất khó hiểu được. Vậy làm thế nào để bước vào thế giới của con và dành cho con những điều tuyệt vời nhất. Mời các bạn cùng chúng tôi tham khảo bài viết dưới đây để có thêm kinh nghiệm bổ ích cho mình nhé!
Hãy ở bên con nhiều hơn
Đừng bao giờ gửi gắm con cho những thiết bị điện tử như máy tính, tivi hay điện thoại. Hoặc phó mặc con cho ông bà, người giúp việc chăm sóc. Hãy cân bằng thời gian giữa công việc, thời gian cho bản thân và thời gian dành cho con. Tất cả những gì bé cần không phải đồ chơi đắt tiền, không phải quần áo đẹp mà là sự quan tâm của cha mẹ. Muốn hiểu được tính cách của bé, các bước phát triển, sở thích của con, cách con giải quyết vấn đề và những khó khăn bé đang gặp phải. Bố mẹ cần gần gũi con, tham gia chơi cùng con và lắng nghe con.
Thực tế, không phải bố mẹ nào cũng đủ kiên nhẫn để chơi cùng con những trò chơi như đua xe, nấu nướng hay giả vờ nhập vai cùng con. Nhiều người thậm chí cho rằng làm thế thật phí phạm thời gian. Thế nhưng tuổi thơ của con trôi qua rất nhanh, thời thơ ấu là giai đoạn bé mong muốn gần gũi bố mẹ nhất. Nếu từ lứa tuổi này bạn đã không thể trở thành bạn của con thì khó hy vọng khi con lớn, trưởng thành, con sẽ tâm sự và chia sẻ những việc quan trọng hơn với bạn. Do đó, hãy luôn bên cạnh con để trở thành bạn thân của con ngay từ những ngày con còn bé nhé.
Tôn trọng sự lựa chọn của con
Người lớn thường tự quyết thay trẻ nhỏ vì nhiều lý do. Hoặc cho nhanh, đỡ chờ đợi, kén chọn, hoặc coi con còn quá nhỏ, không biết cách lựa chọn. Nếu muốn trở thành người bạn thực sự của con, bạn hãy thay đổi ngay những suy nghĩ này. Vì điều đó sẽ khiến trẻ thường xuyên có xu hướng chống đối lại bạn thay vì nghe lời bạn. Nếu con đòi hỏi quá đáng bố mẹ nên chọn cách dỗ ngọt và khuyên nhủ sẽ hiệu quả hơn đấy!
Hãy cho bé đi cùng khi đi mua quần áo, tủ, ghế hay đồ dùng khác của bé. Đồng thời khuyến khích bé tự chọn theo ý muốn và cùng bàn luận về việc sẽ sắp xếp hay sử dụng những món đồ đó như thế nào. Trao đổi vui vẻ, thoải mái với bé sẽ giúp bố mẹ biết được sở thích của bé là gì. Và quan trọng hơn là bé cảm thấy được tôn trọng và gần gũi với bố mẹ.
Luôn đặt mình vào vị trí của con
Trẻ nhỏ chưa bị đóng khung bởi những quy định, cũng chưa phân biệt rõ ràng đúng sai. Suy nghĩ của bé còn rất trong sáng và non nớt. Bởi thế, khi con phạm sai lầm chớ vội nổi nóng. Vì thế bố mẹ hãy nhìn sự việc bằng lăng kính trẻ thơ. Bé ném đồ là để nghe tiếng động món đồ đó phát ra. Bé đổ nước là để xem nước chuyển động. Cha me nếu chỉ đứng trên cương vị người lớn để phán xét sự sạch bẩn, bừa bộn hay gọn gàng, nhắm vào những lỗi bé gây ra mà không hiểu bản chất của hành động khám phá của bé thì khó đồng cảm được với con.
Khi nói chuyện với bé, hãy ngồi xuống để có thể nhìn vào mắt con. Cùng con nói về việc con vừa gây ra, nguyên nhân và hậu quả. Đồng thời hướng cho con cách giải quyết như thế nào cho đúng. Như vậy bé sẽ hiểu chuyện và lắng nghe bố mẹ nhiều hơn. Như vậy, bố mẹ sẽ trở thành người bạn cùng vượt qua những khó khăn thử thách.
Luôn tôn trọng quan điểm của con
Khi bé chưa thể gọi tên được cảm xúc của mình thì cha mẹ hãy ở bên giúp bé hiểu cảm giác đó là gì? Việc công nhận cảm xúc đó rất quan trọng. Lúc bé buồn, lúc bé giận dữ… bố mẹ đừng vội chỉ trích con. Đừng phủ nhận khi bé thấy sợ, thấy lo lắng bằng những câu nói vô tâm của mình. Những điều đó không giúp cho con trẻ tự tin mà chỉ càng khiến con thu mình và không dám thể hiện suy nghĩ thực sự của bé. Do đó, hãy luôn tôn trọng và quan tâm đến những quan điểm của con.
Lắng nghe con một cách chân thành
Khi nói chuyện với con, bạn hãy thể hiện sự chân thành, sự tôn trọng và thái độ nghiêm túc khi lắng nghe. Tuyệt đối đừng nói chuyện riêng hay ngắt lời con. Hãy để con được nói hết suy nghĩ của mình trước khi cha mẹ muốn bày tỏ ý kiến riêng. Và đáp lại con bằng cách gật đầu, hướng người về phía trước hay mỉm cười là dấu hiệu cho thấy bạn đang lắng nghe con một cách chăm chú. Đây cũng là biểu hiện sự tôn trọng con, giúp con có thêm sự tin tưởng để giao tiếp đạt hiệu quả tốt hơn.
Kết luận
Coi bố mẹ như một người bạn nghĩa là con không cần phải chọn lọc thông tin gì nên nói, thông tin gì cần phải giấu để tránh hậu quả không tốt. Mọi thứ, thậm chí là tồi tệ nhất con đều có thể chia sẻ với bố mẹ. Vì bố mẹ tin con, yêu con vô điều kiện và hiểu những gì con đang trải qua. Trên đây là một trong những cách để trở thành bạn thân của con hiệu quả. Hy vọng bài viết sẽ giúp bố mẹ gần gũi với con cái hơn. Hẹn gặp lại!